Liên Hợp Quốc coi việc quản lý AI là vấn đề khẩn cấp tương đương với biến đổi khí hậu

Doanh nghiệp gần bạn nhất

được xác nhận bởi itcctv

Liên Hợp Quốc coi việc quản lý AI là vấn đề khẩn cấp tương đương với biến đổi khí hậu

Hôm thứ 5 tuần trước, Liên Hợp Quốc đã có một bản báo cáo, đề xuất thành lập một cơ quan quản lý quốc tế để theo dõi và kiểm soát trí tuệ nhân tạo. Báo cáo này được cơ quan tư vấn cấp cao về vấn đề AI của Liên Hợp Quốc soạn thảo. Theo đó, cơ quan tư vấn này muốn có một hội đồng tương tự như Ủy ban liên chính phủ về vấn đề biến đổi khí hậu, nơi các quan chức chính phủ nhiều quốc gia hợp tác tìm ra cách giải quyết một trong những vấn đề lớn nhất đe dọa trái đất cũng như loài người ở thời điểm hiện tại. Với ủy ban về vấn đề AI, các nhà quản lý trên toàn thế giới sẽ có những thông tin cập nhật nhất về tốc độ phát triển công nghệ AI, cũng như những nguy cơ mà nó có thể tạo ra.

Báo cáo mới này cũng kêu gọi có những đối thoại và chương trình nghị sự riêng về AI, để 193 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc có thể bàn về những nguy cơ và nhất trí những hành động để kiểm soát công nghệ này. Bên cạnh những khuyến cáo này, là việc đề nghị các quốc gia phát triển, thành viên Liên Hợp Quốc có những động thái và bước đi để giúp đỡ những nước nghèo, đặc biệt là các quốc gia ở phương nam toàn cầu được hưởng lợi nhờ AI, cũng như có những đóng góp vào việc quản lý kiểm soát AI.

Trong số những biện pháp tiềm năng để giúp đỡ các quốc gia phương nam toàn cầu, bản báo cáo của cơ quan tư vấn cấp cao về vấn đề AI đưa ra những giải pháp như xây dựng quỹ cấp vốn phục vụ cho những dự án nghiên cứu AI của các quốc gia đang phát triển, xây dựng những quy chuẩn về AI và hệ thống chia sẻ dữ liệu nghiên cứu, cũng như xây dựng nguồn tài nguyên để giúp đỡ các quốc gia đóng góp vào quá trình quản lý AI.

SecurityCouncil-BG.webp

Một số giải pháp kể trên có thể được thực hiện thông qua Thỏa thuận Kỹ thuật số Toàn cầu (Global Digital Compact), một sáng kiến mà Việt Nam cũng là thành viên, xây dựng những chế tài để giải quyết những vấn đề liên quan tới chênh lệch kinh tế số và chia sẻ dữ liệu giữa các quốc gia.


Alondra Nelson, giáo sư thuộc viện nghiên cứu cao cấp, thành viên của hội đồng tư vấn cấp cao về vấn đề AI của Liên Hợp Quốc cho rằng: “Chúng ta có một cộng đồng quốc tế đồng thuận với nhau một quan điểm, rằng công nghệ trí tuệ nhân tạo hiện giờ có cả lợi ích lẫn tác hại, tiềm năng lẫn nguy cơ.”

Những khả năng đáng nể của những mô hình ngôn ngữ AI tạo sinh hiện tại, những LLM vận hành những chatbot cũng như những trợ lý ảo thế hệ mới trong khoảng 2 năm trở lại đây đã tạo ra những hy vọng về một cuộc cách mạng nâng cao năng suất lao động, nhưng cũng đã khiến không ít các chuyên gia trong ngành bày tỏ lo ngại rằng AI có thể đang có tốc độ phát triển quá nhanh, sớm nảy sinh nguy cơ mất kiểm soát.

Không lâu sau khi ChatGPT ra mắt, hẳn anh em còn nhớ một bức thư với hàng nghìn chữ ký của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý hay thậm chí cả những tỷ phú công nghệ, đề nghị tạm dừng nghiên cứu AI trong vòng 6 tháng để xác định và tìm ra giải pháp cho những nguy cơ.

1612247891089.jpg

Ở tầm ngắn hạn, ngay ở thời điểm hiện tại, đã không thiếu những lo ngại về những gì AI có thể gây ra đối với xã hội và con người: Tạo ra và phổ biến thông tin sai lệch, tạo ra những đoạn video và đoạn âm thanh deepfake giả mạo giọng nói và hình ảnh của người khác, thay thế nhân công ở quy mô lớn, hay tồn tại thiên kiến phân biệt chủng tộc, giới tính dựa trên những nội dung mà các mô hình ngôn ngữ học được trong quá trình huấn luyện LLM…

Giáo sư Nelson nói: “Có cảm giác đây là những vấn đề cực kỳ cấp bách, cần sự hợp tác của các quốc gia.”

Những đề xuất của cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc, được liệt kê ở trên mô tả sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới đối với việc quản lý AI, để giới hạn nguy cơ mà những công nghệ này có thể gây ra.

Nhưng cùng lúc, những đề xuất này đến giữa lúc những cường quốc công nghệ, trong trường hợp này chính là Mỹ và Trung Quốc cố gắng dẫn đầu cuộc chạy đua phát triển thứ công nghệ hứa hẹn sẽ lột xác toàn diện và đem lại những lợi ích khổng lồ cho kinh tế, khoa học và cả quân sự. Chính bản thân từng cường quốc công nghệ cũng lại có tầm nhìn và tham vọng, toan tính riêng về cách AI nên được sử dụng và quản lý như thế nào.

Quảng cáo



Hồi tháng 3, Mỹ đề xuất nghị quyết tại Liên Hợp Quốc, kêu gọi các quốc gia thành viên ủng hộ sự phát triển của những “AI an toàn, bảo mật và đáng tin cậy.” Rồi đến tháng 7 vừa rồi, Trung Quốc cũng tự đưa ra nghị quyết riêng, nhấn mạnh vào việc hợp tác phát triển AI, giúp công nghệ này sẵn sàng ở mọi nơi trên toàn thế giới. Tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đều ký vào cả hai bản nghị quyết kể trên.

jbareham-170802-1892-0001b.jpg

Joshua Meltzer, chuyên gia ở viện Brookings, một think tank hoạch định chính sách ở Washington, Mỹ nói: “AI là một phần của cuộc chạy đua công nghệ và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, nên họ sẽ chỉ đồng thuận ở một vài khía cạnh nhất định.” Theo Meltzer, những khác biệt về lối tư duy giữa Mỹ và Trung Quốc xoay quanh công nghệ AI bao gồm những giá trị gì nên được AI thể hiện, việc bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của người dùng.

Chính bản thân những khác biệt về cách nhìn nhận và quản lý công nghệ AI giữa các nước lớn cũng đang tạo ra những tác động lớn trên thị trường kinh doanh. Chính quyền liên minh châu Âu đã có những đạo luật kiểm soát AI, kiểm soát việc sử dụng dữ liệu. Hệ quả là không ít những tập đoàn công nghệ Mỹ đã buộc phải giới hạn những sản phẩm và dịch vụ AI vận hành tại thị trường châu Âu. Apple với Apple Intelligence là một ví dụ.

Còn trong khi đó, cách quản lý có phần nới lỏng tay, không can thiệp quá sâu của chính phủ Mỹ đã khiến chính quyền một số bang, đặc biệt là California, đề xuất luật quản lý AI riêng của họ. Những phiên bản dự thảo luật trước đó đã bị các tập đoàn công nghệ lên án và chỉ trích là quá nặng nề, ví dụ như những điều luật yêu cầu các tập đoàn phải báo cáo hoạt động của họ với chính quyền. Vậy là các quy định trong dự thảo sau này đã bị nới lỏng hơn.

230718110412-united-nations-symbol-file.jpg

Quảng cáo



Báo cáo của Liên Hợp Quốc đang cố gắng xây dựng tiếng nói chung giữa các quốc gia thành viên, bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền con người. Chris Russell, giáo sư đại học Oxford, nghiên cứu về luật quản lý AI toàn cầu cho rằng: “Việc gắn những phân tích theo khía cạnh quyền con người là rất thuyết phục. Nó tạo ra cơ sở vững chắc cho công trình nghiên cứu này trong giới hạn luật pháp quốc tế, với phạm vi rất rộng và tập trung vào những tác hại cụ thể khi những nguy hiểm của AI xảy đến với con người.”

Giáo sư Russell cũng nói thêm rằng, những phân tích đánh giá AI nhằm mục đích quản lý của các chính phủ đang có nhiều trùng lặp. Lấy ví dụ, chính phủ Mỹ và Anh Quốc có những cơ quan riêng biệt làm việc để thăm dò khả năng AI vận hành sai mục đích. Những nỗ lực của Liên Hợp Quốc có thể giúp nỗ lực nghiên cứu và quản lý không bị trùng lặp và chồng chéo.

Các chính phủ luôn coi AI là một giải pháp giành lấy lợi thế chiến lược, mỗi nước có một tính toán riêng. Nhưng các nhà khoa học thì lại có chung một mối quan tâm, hay lo ngại. Hồi đầu tuần trước, một nhóm học giả nổi tiếng ở cả phương Tây lẫn Trung Quốc đã đưa ra lời kêu gọi chung, đề nghị hợp tác nhiều hơn về an toàn AI, sau một hội nghị về chủ đề này, tổ chức tại Vienna, Áo.

Giáo sư Nelson cho rằng, bà tin các nhà lãnh đạo của các chính phủ cũng có thể hợp tác giải quyết các vấn đề quan trọng. Nhưng phần lớn nỗ lực quản lý sẽ phụ thuộc vào cách Liên Hợp Quốc và các quốc gia thành viên lựa chọn có làm theo kế hoạch hợp tác hay không.

Theo ArsTechnica
Nguồn: Liên Hợp Quốc muốn coi quản lý AI là vấn đề cấp bách ngang biến đổi khí hậu
💬 bình luận
1

Bình luận

Trở thành viên của itcctv — Đăng ký
Thủ thuật tin học văn phòng Thủ thuật Word Thủ thuật Excel
Cuộn