Các cựu chuyên gia hàng đầu từ Google vừa sáng lập một startup mới tên là Reflection và giới thiệu một AI Agent mới mang tên Asimov.
Với việc thành lập này, mục tiêu của họ không chỉ là tạo ra một công cụ hỗ trợ lập trình thông minh hơn, mà là tiến xa hơn nữa: xây dựng nền móng cho một trí tuệ siêu việt trong tương lai. Thay vì chỉ tập trung vào việc viết mã, Asimov được thiết kế để hiểu sâu quá trình phát triển phần mềm từ đầu đến cuối: bao gồm cả xử lý email, tin nhắn Slack, cập nhật dự án, và tài liệu kỹ thuật – giống như cách một kỹ sư phần mềm thực thụ làm việc trong một đội nhóm. Trên thực tế, một phần rất lớn tri thức thực tiễn của các đội kỹ thuật thường nằm ngoài codebase và tập trung trong các cuộc trao đổi nội bộ, một lý do khiến Asimov có tiềm năng trở thành trợ lý thực thụ cho doanh nghiệp.
Trong khi nhiều công ty đang chạy đua phát triển các công cụ trí tuệ nhân tạo có thể viết mã nhanh chóng hoặc tương tác qua giao diện người dùng như trình duyệt web, thì Reflection lại đi một hướng khác. Theo Misha Laskin, CEO của Reflection và từng là người dẫn đầu các dự án về Gemini tại DeepMind, việc để AI trở nên thực sự thông minh cần bắt đầu bằng việc nắm bắt cốt lõi của việc viết phần mềm. Nó không chỉ nằm ở việc tạo mã, mà là hiểu rõ toàn bộ quá trình hình thành phần mềm, cách con người giao tiếp, lên kế hoạch, và triển khai các thay đổi.
Điểm đặc biệt của Asimov là nó đọc nhiều hơn viết. Nó không chỉ tạo ra đoạn code mới, mà còn hiểu được toàn bộ bối cảnh mà đoạn code đó được xây dựng trong môi trường làm việc thực tế. Như Laskin chia sẻ, loài người hiện đang tập trung quá nhiều vào việc viết code, nhưng vẫn chưa ai thật sự giải được bài toán làm sao để một tác nhân AI có thể làm việc hiệu quả trong một nhóm kỹ sư phần mềm.
Asimov, AI Agent của Reflection với tham vọng giúp đỡ con người làm việc hiệu quả trong một dự án lập trình
Với cách tiếp cận đó, cấu trúc của Asimov sẽ gồm nhiều tác nhân nhỏ phối hợp với nhau: mỗi tác nhân đảm nhiệm nhiệm vụ riêng biệt. Điều này khiến Asimov giống như một tiểu đội quân sự tác chiến để đáp ứng nhu cầu của người dùng. Trong đó, mỗi tác nhân sẽ phụ trách một vai trò riêng: có tác nhân chuyên đi tìm thông tin, và có một “tác nhân suy luận” lớn hơn tổng hợp dữ liệu lại để đưa ra câu trả lời hoàn chỉnh cho người dùng.
Điểm đặc biệt là Reflection không đào tạo Asimov trên dữ liệu khách hàng, mà sử dụng dữ liệu mô phỏng (synthetic data) và dữ liệu được gán nhãn bởi con người. Các mô hình mã nguồn mở được dùng làm nền tảng, sau đó được tinh chỉnh bằng reinforcement learning, kỹ thuật từng giúp DeepMind tạo ra AlphaGo, nhằm huấn luyện AI suy luận tốt hơn. Nhờ đó, Asimov không chỉ hiểu đoạn mã, mà còn có thể tái cấu trúc quy trình, giải thích và dự đoán cách phần mềm sẽ được phát triển tiếp theo.
Asimov đã được thử nghiệm trong các dự án mã nguồn mở quy mô lớn, và theo khảo sát của chính Reflection, các lập trình viên đánh giá câu trả lời của Asimov cao hơn các công cụ AI hiện tại như Claude Code của Anthropic. Đáng chú ý, Asimov hoạt động trong môi trường điện toán đám mây riêng biệt của khách hàng, giúp bảo mật dữ liệu nội bộ.
Asimov có thể xử lý tất cả mọi thông tin trong một dự án lập trình
Cụ thể thì trong các khảo sát, Asimov được các lập trình viên lựa chọn ưu tiên tới 82% so với 63% dành cho Claude Code (Sonnet 4). Điều này cho thấy khả năng vượt trội trong một số tiêu chí sử dụng thực tế. Một Điểm mạnh khác của Asimov là nó có thể trở thành trợ lý kỹ thuật không chỉ cho lập trình viên, mà cả cho các bộ phận khác như bán hàng kỹ thuật hay hỗ trợ khách hàng – những người cần hiểu nhanh về hệ thống phần mềm để làm việc hiệu quả hơn. Hiện tại một số đối tác đầu tư của Reflection nhận định startup này “không hề kém cạnh so với các phòng thí nghiệm AI lớn nhất thế giới về mặt công nghệ.
Hiện tại, tham vọng của Reflection không dừng ở mức trợ lý viết mã. Họ hình dung Asimov sẽ trở thành một dạng “oracle”: một kho tri thức sống động về toàn bộ hệ thống kỹ thuật và tổ chức của một công ty. Trong tương lai, những công cụ như Asimov có thể tự động xây dựng, sửa lỗi phần mềm, phát minh thuật toán mới, thậm chí phát triển phần cứng và sản phẩm độc lập mà không cần sự can thiệp của con người.
Tất nhiên, đây chỉ là tầm nhìn, mà tầm nhìn thì không dễ dàng để thực hiện. Trong hoàn cảnh các ông lớn như Meta đang đổ tiền vào các phòng nghiên cứu superintelligence, những startup như Reflection sẽ phải cực kỳ khéo léo và sáng tạo để giữ được lợi thế cạnh tranh. Hơn nữa, sẽ cần thêm thời gian để kiểm chứng tính ưu việt về mặt hiệu quả và bảo mật của cách tiếp cận này trong thực tiễn doanh nghiệp lớn, vì hiện tại một số nhà khoa học vẫn còn hoài nghi về lợi ích thực tế cũng như chi phí vận hành tăng khi triển khai AI tiếp cận toàn diện như vậy.
Hiện tại thì mình coi thử thì Asimov cho join waitlist, không biết có được thử không, thôi cứ đăng kí nếu có cơ hội thử thì chia sẻ với anh em sau. Anh em có thể vào link này để thử đăng kí
Nguồn: [1][2][3] Nguồn:tinhte.vn/thread/startup-reflection-voi-asimov-ai-khong-chi-viet-code-ma-con-hieu-ca-qua-trinh-phat-trien-phan-mem.4038621/