Nếu như hồi xưa Photoshop ra đời và đã được chứng minh là một công cụ mạnh mẽ để xử lý hình ảnh, đồ họa,... tạo được nhiều giá trị đẹp và hữu ích, bao gồm cả việc kiếm tiền chân chính thì thực tế đã cho thấy nó cũng bị người ta lợi dụng cho mục đích rất tệ như ghép ảnh, thậm chí là ảnh đồi trụy, làm giả bằng cấp,... Tương tự, AI là một công cụ có thể tạo ra rất nhiều giá trị tốt đẹp, đồng thời cũng hoàn toàn có thể bị sử dụng để tạo ra những thứ rác hay nghiêm trọng hơn là phục vụ mục đích xấu. Với AI thì điều này còn nguy hiểm hơn khi mà việc sử dụng nó quá dễ dàng để tạo ra được sản phẩm, bất kể là tốt hay xấu.
Thậm chí có khi có những ngườii sử dụng AI tạo ra nội dung gây hại mà chính bản thân họ không biết điều đó là xấu. Nguyên nhân có thể vì hiểu biết chưa đủ về AI, về những giới hạn của nó và rộng hơn, là sự kém hiểu biết của chính mỗi người ở nhiều lĩnh vực, từ văn hóa xã hội đến tôn giáo, tâm linh. Như trong bài viết này là một câu chuyện xoay quanh điều đó.
Từ câu chuyện là mình rất hay xem Youtube, chủ yếu là coi du lịch, phim tài liệu, các bài học, nghe truyện và cả nghe các chia sẻ của những Linh mục về chuyện đời, chuyện Đạo,... Khoảng thời gian gần đây, cùng với sự phát triển của các kỹ thuật AI, số lượng video nói trên do AI đọc đã ngày càng nhiều lên. Nếu như trước đây chỉ có các giọng đọc robot kiểu chị Google thì bây giờ, nó tiến hóa lên tới mức là clone giọng nói của một người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng nào đó để (tất nhiên) là "đọc" những nội dung mà chính người đó không hề nói.
Về cơ bản ở hiện tại, chỉ cần một đoạn âm hanh mẫu khoảng vài phút và rõ ràng (có thể cắt ra từ một clip thật của người đó đang nói chuyện, đang trả lời phỏng vấn hay đang giảng bài,...) các thuật toán AI đã có thể "học" được những đặc trưng của âm sắc, ngữ điệu, tốc độ nói và cách nhấn nhá. Từ đó, chúng có thể tái tạo lại giọng nói này để "đọc" bất kỳ văn bản nào được đưa vào, tạo ra những file âm thanh giả mạo nhưng nghe lại chân thực đến cỡ 90%, ở mức khó có thể phân biệt được.
Điều đáng lo ngại hơn cả là sự phổ biến và dễ dàng tiếp cận của công nghệ này. Nếu trước đây, việc tạo ra deepfake voice đòi hỏi kỹ năng chuyên sâu và nguồn lực lớn, thì ngày nay, hàng loạt phần mềm và ứng dụng trực tuyến cho phép bất kỳ ai có một chút kiến thức công nghệ cũng có thể thực hiện. Mối đe dọa này không còn là lý thuyết. Tại Việt Nam và trên thế giới, đã có không ít vụ việc lừa đảo bằng công nghệ này được ghi nhận. Kẻ xấu giả giọng người thân gọi điện thoại yêu cầu chuyển tiền cấp cứu, giả giọng giám đốc yêu cầu nhân viên thực hiện giao dịch tài chính, giả giọng chú công an yêu cầu cung cấp thông tin... Và tất nhiên, nó đã diễn ra với những vụ việc mạo danh linh mục
Công giáo kêu gọi từ thiện, xây nhà thờ, giúp đỡ nạn nhân bão lụt,....
Các thí dụ trên đều là những tình huống lừa đã đã diễn ra và rất nhiều người đã bị mắc bẫy. Mình không cho rằng những nạn nhân đó nhẹ dạ mà có khi, phương thức lừa đảo ở hiện tại bằng AI quá tinh vi. Tuy nhiên, các thủ đoạn lừa đảo tài chính nói trên trông có vẻ ghê gớm nhưng thực ra vẫn còn quá thô sơ. Chúng đánh vào lòng quảng đại và đức ái của giáo dân, những người sẵn lòng chung tay khi nghe lời kêu gọi từ vị người đứng đầu một khu vực mà họ kính trọng, qua đó chiếm đoạt những khoản tiền không nhỏ bằng cách kết hợp cả các cách thao túng tâm lý lẫn công cụ hình ảnh, AI, Deepfake nhằm tăng niềm tin.
Bên cạnh câu chuyện lừa đảo kiếm tiền ngay, thực tế còn tồn tại những thủ đoạn bài bản hơn, có tổ chức, đầu tư hơn nữa để gây ra những hậu quả tất nhiên là nghiêm trọng hơn. Đó chính là lừa đảo về tinh thần. Mình được nghe một vị Linh mục đã chỉ ra những kênh Youtube hàng trăm nghìn người theo dõi, hàng triệu lượt view mỗi clip được dựng lên để sử dụng chính hình ảnh và giọng nói của vị linh mục đó nhưng rao giảng những điều mà ông không hề nói. Các clip giả mạo này được tạo ra để lan truyền những thông tin sai lệch về giáo lý, xuyên tạc Kinh Thánh, hoặc đưa ra những "lời tiên tri", "sứ điệp từ trời" mang tính giật gân, mê tín dị đoan - những điều mà Công Giáo luôn lên án từ xưa giờ. Hậu quả của nó chính là gây hoang mang, nghi ngờ, làm lung lạc đức tin của cộng đồng, đặc biệt là những người thiếu kiến thức giáo lý vững vàng.
Mình đã thử vào những kênh đó và thậm chí còn có những nội dung dàn dựng những phát ngôn gây tranh cãi. Kẻ xấu có thể tạo ra một clip trong đó "linh mục" phát biểu những điều đi ngược lại với đường hướng của Giáo hội, công kích một cá nhân hay một cộng đồng khác, hoặc đưa ra những bình luận sai trái về các vấn đề xã hội nhạy cảm. Hậu quả là gây ra sự hiểu lầm, phẫn nộ, tạo nên sự chia rẽ trong chính nội bộ giáo dân và làm tổn hại nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của cá nhân vị linh mục bị mạo danh và của cả Giáo hội.
Cuối cùng, không thể loại trừ khả năng các thế lực thù địch lợi dụng công nghệ này cho mục đích chính trị. Chúng có thể lồng ghép các quan điểm cực đoan, sai trái vào các "bài giảng" giả mạo, lợi dụng ảnh hưởng của linh mục để kích động, lôi kéo giáo dân tham gia vào các hoạt động chống phá, gây mất ổn định trật tự xã hội.
Và tất nhiên, điều này đã xảy đến với Thiên Chúa Giáo thì ắt hẳn đã xảy đến với Phật Giáo, Hồi Giáo,... hay bất cứ tôn giáo nào khác.
Dưới lăng kính của đức tin Công giáo, hành hành vi mạo danh linh mục bằng công nghệ AI không chỉ sai trái về mặt xã hội mà còn là một sự xúc phạm nghiêm trọng về mặt tâm linh. Sự thật luôn là một trong những lý thuyết quan trọng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong giáo lý, trong các rao giảng,...
Hơn nữa đối với những ai là người Công giáo thì càng biết rõ là Linh mục không phải là người bình thường. Việc mạo danh một linh mục không chỉ là mạo danh một con người, mà còn là một sự lạm dụng và xúc phạm đến chính chức thánh thiêng liêng, đến vai trò đại diện cho Chúa Kitô của ngài. Đây là một hành vi lừa dối mang tính chất thiêng liêng, gây tổn thương cho Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa. Nó gieo rắc sự nghi ngờ, làm xói mòn lòng tin của người có đạo vào các linh mục. Đồng thời, nó lại khiến những bạn khác tôn giáo có thể hiểu sai hoàn toàn về Công giáo bởi có thể họ tin nó là thật.
Mình thử lướt một vòng các kênh đó thì đặc điểm nhận diện đều là các video chỉ có giọng nói (mặc dù giả rất giống với giọng gốc) mà không có hình ảnh của linh mục đang giảng (thường là trong nhà thờ). Một đặc điểm khác chính là các kênh này thường hay sử dụng cách tách nền của linh mục đang giảng, scale nhỏ lại và đặt trong một bức ảnh chụp trong nhà thờ rất lung linh, sau đó cho phát ra giọng nói bài giảng không hề khớp với cử động miệng. Do cần phải để ý kỹ mới nhận ra nên rất dễ bỏ qua yếu tố này. Và mình khẳng định rằng đây là 2 dấu hiệu rõ ràng nhất của video giả.
Đối với những người có đạo, mình nghĩ rằng điều quan trọng nhất là sự tỉnh táo và tinh thần phê phán. Hãy trở thành người dùng mạng xã hội thông thái. Đừng vội vàng tin, thích và chia sẻ những video, clip âm thanh, dù nó đến từ một giọng nói quen thuộc. Hãy luôn kiểm chứng thông tin qua các kênh truyền thông chính thức, đã được xác thực của giáo phận, giáo xứ hoặc dòng tu. Khi phát hiện các nội dung đáng ngờ, hãy ngay lập tức sử dụng chức năng "Báo cáo" (Report) cho nhà cung cấp nền tảng như YouTube, và đồng thời cảnh báo cho những người xung quanh.
Các linh mục hoặc cơ quan giáo hội cũng cần chủ động hơn. Các giáo phận và dòng tu nên xây dựng và quảng bá mạnh mẽ các kênh truyền thông chính thức của mình (website, kênh YouTube, trang Facebook có dấu xác thực). Khi có kênh chính thức, giáo dân sẽ có một địa chỉ tin cậy để đối chiếu thông tin. Khi phát hiện trường hợp mạo danh, cần có phản ứng nhanh chóng, đưa ra thông báo đính chính công khai và rõ ràng để trấn an dư luận và ngăn chặn tác hại lan rộng. Chính mình qua lời khẳng định của vị Linh mục nói trên cũng biết được các kênh mà mình nghi ngờ trước đây như "Lời hằng sống", "Lời chân lý",... đều là những kênh dùng AI để làm video mạo danh. Cần nhiều hơn nữa những tố cáo các kênh này để mọi người cùng tránh xa.
Và về mặt pháp luật, chắc chắn đây đều là những hành vi lạm dụng công nghệ AI nhằm mục đích lừa đảo, vu khống và gây rối trật tự.
Công nghệ AI là một món quà của trí tuệ con người, nhưng cách chúng ta sử dụng nó sẽ quyết định nó là phúc lành hay tai họa. Việc lạm dụng AI để giả giọng linh mục là một hành vi đáng lên án, chà đạp lên sự thật và gây tổn hại sâu sắc đến đời sống đức tin. Hơn bao giờ hết, đây là lúc mỗi người cần thể hiện sự khôn ngoan, có trách nhiệm và luôn đặt sự thật làm kim chỉ nam. Sự cảnh giác của mỗi cá nhân chính là hàng rào bảo vệ vững chắc nhất cho sự thật và chính niềm tin mà mỗi người mang theo đến cuối đời.
Nguồn:tinhte.vn/thread/can-than-voi-video-ai-gia-linh-muc-giang-tuyen-truyen-fake-news.4038532/