Theo như trang hỗ trợ người dùng của Apple, miếng che camera khi đóng máy có thể dẫn tới nứt vỡ màn hình bởi “khoảng cách giữa màn hình và bàn phím là rất hẹp.”
Hiện nay việc sử dụng miếng dán webcam làm bằng nhựa ngày càng phổ biến do lo ngại về bảo mật cá nhân. Tuy nhiên, sử dụng miếng dán này trên MacBook có thể gây hậu quả nghiêm trọng khi màn hình đóng lại và miếng dán vẫn được giữ trên camera, đặc biệt là việc sửa chữa MacBook rất tốn kém.
Apple khuyên người dùng tin vào đèn LED xanh bên cạnh camera trên các dòng MacBook Pro và MacBook Air thay vì sử dụng miếng dán. Đèn LED sẽ thông báo khi camera đang hoạt động, và theo Apple, camera chỉ hoạt động khi đèn thông báo được bật lên. Apple cảnh báo người dùng rằng không cần phải dùng miếng che webcam khi đóng laptop.
Đối với một số người dùng, miếng che camera phải tuân theo chính sách riêng của từng công việc. Trong các trường hợp như vậy, việc tháo miếng che ra mỗi khi gập màn hình máy tính là bắt buộc.
Theo thông tin từ trang MacRumors, đã được báo cáo nhiều trường hợp về việc màn hình của MacBook Pro bị hỏng khi máy được đóng với miếng dán camera, mặc dù chỉ bị tác động bởi một lực rất nhỏ.
Băng dính đen có thể là một sự lựa chọn thay thế cho các miếng dán nhựa nếu người dùng không hoàn toàn tin tưởng vào đèn hiệu của máy. Tuy nhiên, Apple vẫn khuyến cáo rằng bất kỳ vật nào "dày hơn một tờ giấy in (0.1mm)" nằm ở giữa đều có thể gây hư hại cho máy. Hãng cũng khuyến nghị người dùng không để lại các chất dính từ băng keo trên camera.
Người dùng có thể kiểm tra các ứng dụng đang sử dụng camera của máy thông qua mục cài đặt riêng tư, chọn phần cài đặt camera và xem danh sách các ứng dụng được phép truy cập vào camera.